Cẩm nang du lịch Châu Đốc

Cẩm nang du lịch Châu Đốc

Thành phố Châu Đốc là điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang. Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang là Cồn Tiên và xóm Châu Giang cây trái xanh rờn trĩu quả. Cuộc sống nơi đây vừa có vẻ nhộn nhịp, tấp nập của những phiên chợ sung túc, vừa có vẻ bình yên đặc trưng của miền Tây với sông nước mênh mông, đồng ruộng phì nhiêu, cá tôm, đất đai màu mỡ.

1. KHÍ HẬU

Cũng như nhiều nơi khác ở miền Tây, Châu Đốc có khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa, mùa mưa và mùa nắng. Thời tiết khí hậu ở Châu Đốc nói chung thích hợp để du khách đến tham quan quanh năm.

Nếu muốn đến An Giang mùa nước nổi để ngắm thảm bèo cũng như thế giới tự nhiên xanh mát ở rừng tràm Trà Sư bạn nên đi vào tháng 10, 11. Vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch là thời gian diễn ra hai lễ hội lớn gồm hội bà Chúa Xứ Núi Sam (23 - 27/4 âm lịch) và lễ hội đua bò cuối tháng 8. Các tháng 7 - 8 có mưa khá nhiều nên cần mang theo ô và trang phục phù hợp.

2. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN ĐẾN CHÂU ĐỐC

Xe máy và ô tô cá nhân : Từ TP Hồ Chí Minh: Bạn có thể di chuyển đến An Giang bằng đường bộ. Hai tuyến đường chính từ TPHCM đi An Giang là tuyến Quốc lộ 1A – Quốc lộ 80 và tuyến Quốc lộ 1A – Quốc lộ N2 (Quốc lộ 62 cũ).

Xe khách: Từ TP. Hồ Chí Minh, bạn mất khoảng 6 tiếng đi xe đến Châu Đốc. Có rất nhiều hãng xe chạy tuyến này nên rất dễ dàng mua vé tại bến xe Miền Tây với giá khoảng 120.000đ – 150.000

Một số hãng xe khách chất lượng tốt: Phương Trang, Hùng Cường, Huệ Nghĩa, Liên Hưng

Từ TP Cần Thơ các bạn đến Bến xe khách Trung Tâm tại QL1A, Hưng Thạnh, Cái Răng để bắt xe khách đến An Giang giá vé dao động từ 70.000 – 100.000 VNĐ, một số nhà xe uy tín như: Vạn Khoa Nguyên, Phương Trang, Thiên Thiên Xuân

Từ các tỉnh thành khác: Bạn có thể đi máy bay, tàu hỏa, xe khách đến TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ sau đó di chuyển tới An Giang theo quảng đường như trên.

3. PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI Ở CHÂU ĐỐC

Xe đạp: Bạn có thể thuê xe đạp ở các công ty du lịch ngay tại trung tâm Châu Đốc hoặc tại bàn tour của các khách sạn. Tham quan khu vực trung tâm Châu Đốc bằng xe đạp cũng là một trải nghiệm thú vị rất đáng để thử qua.

Xe đạp lôi: ở các tỉnh thành miền Tây đều có sử dụng phương tiện này tuy hiện nay không còn phổ biến như trước. Bạn có thể thuê xe lôi ở trung tâm, khu vực gần chợ hoặc ngay trước khách sạn mình lưu trú.

Taxi và xe máy: cũng như các thành phố khác, bạn có thể thuê xe máy ở các công ty du lịch ở trung tâm thành phố, hoặc bàn tour tại các khách sạn.

Nếu bạn muốn đi taxi có thể liên hệ taxi Mai Linh – ĐT: 0296.3922.266, taxi Sài Gòn Hoàng Long – ĐT: 0296.3688.688 hoặc taxi Long Xuyên – ĐT: 0296.3858.788, taxi Đức Thành – ĐT: 0296.3852.403.

4. Ở ĐÂU KHI DU LỊCH CHÂU ĐỐC?

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc có khá nhiều, với nhiều loại giá khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Một số khách sạn nổi bật ở Châu Đốc như:

- Victoria Chau Doc Hotel: 1 Lê Lợi, Trung tâm thành phố / Bờ sông, Châu Đốc.

- Victoria Nui Sam Lodge: Vĩnh Đông 1, Núi Sam, Châu Đốc

- Châu Phố:  88 Trưng Nữ Vương, p, Châu Đốc

- Murray Guesthouse: 11-15 Trương Định, Châu Đốc.

- Dong Xanh Hotel: 227 Nguyễn Tri Phương, Hòa Bình, Châu Đốc.

- Hai Van Guesthouse: 102-104 Hoàng Diệu, Châu Phú B, Châu Đốc.

Tùy theo sở thích, túi tiền, và lịch trình di chuyển của bạn mà chọn nơi ở hợp lý. Bạn có thể đặt phòng qua các trang như agoda, chudu24h hay traveloka…


View bể bơi với cánh đồng lúa bát ngát. Ảnh: Victoria Núi Sam Lodge.

Tuy nhiên nếu bạn muốn tìm phòng nhanh chóng, phù hợp, vui lòng liên hệ số Hotline: 0913 19 33 00 để chúng tôi tư vấn, hỗ trợ đặt phòng với giá vô cùng ưu đãi.

5. ĂN GÌ KHI DU LỊCH CHÂU ĐỐC?

Bún cá Châu Đốc : là món ăn trú danh của vùng đất An Giang. Bún cá ở Châu Đốc có vị đậm đà hơn các vùng khác ở An Giang như Long Xuyên hay Tân Châu. Mỗi tô bún có giá giao động từ 15.000 – 30.000 đồng.

Địa chỉ bán bún cá ngon: Bún cá Lê Công Thành, P. Châu Phú A, Châu Đốc và Bún cá Bé Hai đường Chi Lăng, P. Châu Phú A, Châu Đốc. Hoặc các gánh hàng rong trước chùa Bà cũng bán bún cá rất ngon, giá tầm 20.000 -30.000 VND/tô.

Canh chua mùa nước nổi : thường nấu với cá lóc, cá linh, cá bông lau kèm với bông điên điển, bông súng… Hầu như bạn có thể dễ dàng tìm được một quán bán canh chua, bất kể là nhà hàng sang trọng hay những quán ăn ven đường đều có phục vụ món này.

Ở các quán bình dân một tô canh chua cho 4 người ăn có giá 30.000 – 50.000 VND, đối với canh chua cá bông lau thì khoảng trên 80.000 VND/tô.

Lẩu mắm Châu Đốc

Món lẩu mắm là một phần làm nên sức hút của ẩm thực Châu Đốc. Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm các sặc, cá chốt… Hai loại mắm này có vị ngọt và mùi hương rất kích thích. Giá của một nổi lẩu mắm 4 người ăn tầm 80.000 – 150.000 VND tùy vào loại cá và từng quán ăn.

Địa chỉ quán ăn lẩu mắm ngon: Quán lẩu mắm số 1 ở chợ Châu Đốc; Quán Đồng Quê 108 Trưng Nữ Vương, Phường 8 hay quán ăn Bảy Bồng 2, số 46 Trưng Nữ Vương, Châu Phú B.

Bò 7 món Núi Sam: nổi tiếng là thịt săn chắc và béo ngọt, do đó những món ăn từ bò cũng rất được chú ý. Món bò bảy món bao gồm các món ăn nhỏ như: bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò xào lá giang, bò khìa với bánh mì, bò lúc lắc và thịt bò bít tết.

Địa chỉ quán ăn bò bảy món ngon: Quán ăn Tứ Thiêng nằm trên quốc lộ 91 và quán bò Tony thuộc tổ 10, khóm Vĩnh Tây, phường Núi Sam.

Gỏi sầu đâu: được biết đến như đặc sản đặc trưng nhất khi nhắc đến cây sầu đâu, từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.

Bánh xèo rau rừng : ở vùng Núi Cấm, Núi Sam của Châu Đốc lại đặc biệt hơn cả. Điểm đặc biệt của bánh xèo chính là ở đĩa rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú với hơn 20 loại rau rừng.

Giá trung bình 20.000 – 35.000 VND/ phần bánh kèm với đĩa rau khủng ăn thả ga. Bạn có thể thưởng thức món bánh ngon tuyệt này tại các quán bánh xèo rau rừng dọc đường lên núi Châu Đốc.

Cơm nị – cà púa: cũng là món ăn truyền thống của làng Chăm Châu Giang. Cơm nị thì nấu gạo chung với sữa, còn cho thêm trái nho khô tùy theo sở thích riêng biệt của mỗi người, còn món cà púa thì dùng thịt bò để chế biến, chế biến theo một cách tẩm ướp gia vị rất riêng, sử dụng nhiều nguyên liệu như rượu, gừng, nước cốt dừa, cà ri, hành…

Bánh tằm bì : Điểm nhấn chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm. Bánh tằm là những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. . Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt.

Địa chỉ bánh tằm: chợ Tân Châu từ 6h – 10h sáng.

Xôi Xiêm: là món ăn phổ biến của người dân Châu Đốc có xuất xứ từ Thái Lan. Xôi có vị ngọt, béo ngậy, mùi thơm rất lạ. Xôi nóng, dẻo và thơm, khi ăn các hương vị hòa trộn khiến món xôi ngon đến khó tin.

6. CÁC ĐIỂM THAM QUAN

Chùa Tây An : là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, cận kề chân núi Sam. Chùa được xây dựng ở độ cao 284m so với mặt nước biển, theo lối chữ “tam”, mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo, kết hợp với kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.

Miếu Bà Chúa Xứ : tọa lạc dưới chân núi Sam, miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa.

Chùa Hang : nằm trên triền núi Sam là nơi trang nghiêm cổ kính với nhiều huyền thoại, truyền tụng từ đời này sang đời khác, tạo sức hấp dẫn với du khách. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1840 – 1845.


Rừng tràm trà sư :  điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với nhiều loài động vật quý hiếm. Còn gì tuyệt vời hơn việc chẳng cần suy nghĩ gì cả, cứ thả mình theo chiếc thuyền gỗ trôi theo dòng nước, đắm chìm dưới bóng mát của cây tràm.

Núi Cấm : là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…với hệ thống sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu quanh năm dịu mát.

 Lăng Thoại Ngọc Hầu: là một trong số nhiều di tích ở chân núi Sam. Tại đây có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Làng nổi Châu Đốc : có nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên.

Làng Chăm Châu Giang : Làng Chăm Châu Giang cho đến nay vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc, văn hóa độc đáo của người Chăm như: làng nghề thủ công truyền thống, nhà sàn, thánh đường,…. Là vùng giáp ranh giữa Châu Đốc và Tân Châu, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây thông qua bến phà Châu Giang.

Thánh đường Mubarak

Rừng tràm Trà Sư : có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên.

  • Chợ Tịnh Biên : có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.

Búng Bình Thiên : là một hồ nước ngọt, ở sát biên giới Campuchia. Nếu đi vào tháng 10, bạn có thể thấy đầm sen đẹp và làn nước 2 màu rõ rệt. Ở đây có một gia đình cung cấp dịch vụ thuê thuyền đi tham quan hồ và dắt đến đầm sen. Giá là 50.000 đồng một người kèm áo phao.

Du khách thích thú trải nghiệm giăng lưới bắt cá

Cánh đồng Tà Pạ : như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.

Hồ Tà Pạ : nằm trên đồi Tà Pạ, được ví như là “tuyệt tình cốc” ở miền Tây. Mặt hồ nước xanh ngọc, tĩnh lặng, soi rọi in bóng những mỏm đá đẹp như một bức tranh. Hầu hết du khách đến đây tham quan chỉ một buổi rồi đi, một số khác như phượt thủ thì thường hay cắm trại qua đêm.

7. MUA GÌ LÀM QUÀ?

Chợ Châu Đốc được xem như “vương quốc mắm” với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Nếu là lần đầu tiên về miền Tây, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi.

Mắm Châu Đốc: được mệnh danh là "vương quốc mắm", bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc... hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.

Thốt nốt tươi : rất mềm, vị hơi giống dừa nhưng ăn mát hơn. Bạn cân nhắc mua loại ngâm sẵn trong hũ về làm quà. Chúng có thể để tới một năm, tuy nhiên tuyệt vời nhất vẫn là thốt nốt tươi.

Các loại khô : đa dạng như khô cá linh, cá sặc, cá tra...Ngoài ra, Châu Đốc còn có món khô bò rất ngon, chia làm 3 loại gồm khô bò vàng cứng và giòn, khô bò nâu sẫm cứng nhưng không giòn và khô bò nâu xốp giòn, dẻo.

Bánh bò thốt nốt : được làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa. Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông rất hấp dẫn.

Cà na đập:  sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn.

Thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long mang đến những đặc sản độc đáo: Lẩu cá linh bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, chuột đồng nướng lu, bún cá Châu Đốc, lẩu mắm, bánh bò thốt nốt, cháo bò Tri Tôn, gỏi sầu đâu... Người Chăm có tung lò mò, cơm nị- cà púa...

Hiện tại, hầu như chưa thấy quán gù bò nướng xuất hiện tại Sài Gòn. Những thực khách nào có đi hành hương qua vùng Châu Đốc có thể ghé qua quán Thắm Tài (247/1/đường Hoàng Diệu, thành phố Châu Đốc). Món ăn ở đây ngon nhưng giá cả rất phải chăng.


Theo dõi@instagram

SPACE TRAVEL

Theo dõi chúng tôi